Skip links
Bức tượng

Bức tượng

Hôm nay trong lúc ngắm nghía hai bức tượng do ông bà nội chồng tôi để lại, tôi tự hỏi, người ta đã nghĩ gì khi tạc hai bức tượng này nhỉ ? Một nữ nhân xiêm y buông rủ, dáng vẻ yểu điệu, đoan trang, tay cầm quạt e ấp che phần ngực. Xung quanh nàng có chim muông, thân cây và cả một chiếc bình. Còn nam nhân, đầu đội nón, tay cầm hai cuộn tròn (giống như thư sách) và cầm một đoạn trúc. Trên vai và xung quanh cũng có chim muông vây quanh. Nhìn dáng vẻ thể hiện của hai bức tượng, tôi hình dung đến một cặp vợ chồng có học thức, dáng vẻ thanh tao của xã hội ngày trước.

Người phác thảo và người chế tác đã nghĩ thông điệp gì khi sáng tạo ra chúng? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, để cho ra đời bức tượng, người ta đã phải lăn lộn tìm ra ý tưởng. Sau đó thiết kế phác họa nó để thể hiện ý tưởng rõ ràng nhất, chính xác nhất. Rồi người ta phải nghiên cứu lựa chọn chất liệu  làm ra bức tượng. Nếu muốn một tác phẩm có giá trị vượt thời gian, ý tưởng và giá trị của chất liệu tạo ra tác phẩm đó vô cùng quan trọng.

Rồi người tạc tượng khi chế tác hẳn người ấy cũng phải để tâm đến từng thao tác nhỏ. Bức tượng có càng nhiều chi tiết sinh động thì thao tác càng phải thuần thục, tỉ mẩn và khéo léo. Người nghệ sĩ đã mất bao nhiêu thời gian để làm ra bức tượng mà tôi đang ngắm nhìn ? Ba tháng, bốn tháng hay một tuần, hai tuần hay bao lâu?  Tôi không biết, nhưng để tạo ra tác phẩm ấy, tôi nghĩ rằng phải tính toàn bộ thời gian kể từ khi người ấy bắt tay vào hành trình trở thành nghệ sĩ điêu khắc cho đến khi tác phẩm hoàn thành.

Nhìn hai bức tượng vai kề vai trước mặt, chúng hướng về tôi, tôi nhìn lại chúng. Ô hay, tôi chợt phát hiện ra, cái dáng vẻ thanh tao của chúng là do tâm hồn tôi, tâm ý của tôi phản chiếu lên chúng. Chúng chỉ là những khối đá vô tri, vô giác, được cắt gọt tỉ mẩn để mô tả ý niệm tinh thần của người sáng tác nó. Ý niệm này là gì thì chỉ có người sáng tác nó mới có câu trả lời chính xác nhất. Nhưng dù tôi nhìn chúng thanh cao hay đen tối, đẹp đẽ hay xấu xa thì tượng đá cũng vẫn chỉ là tượng đá.

Bức tượng
Bức tượng

Nó không phải là người như tôi. Nó chỉ mô tả lại một cách khéo léo các vị trí cơ của cơ thể. Tôi nhìn chúng, tôi hình dung, tôi cảm nhận dường chúng đang lột tả một trạng thái tinh thần nào đó mà tôi đã biết ở trong đầu.

Dáng vẻ của tượng đá thật đơn điệu và bất biến. Không giống tôi, không giống như tinh thần con người trong tôi. Cái tinh thần được hình thành ngay khi chuỗi ADN đầu tiên được hình thành do sự gặp gỡ của tinh trùng cùng noãn bào trong bụng mẹ tôi. Rõ ràng sự kết thành hợp tử, rồi hợp tử bám rễ sinh trưởng trong thành tử cung của mẹ chính khởi đầu cho một chuỗi quá trình phát triển các mô thể vật chất con người. Các mô thể ấy kết nối lại với nhau để cấu tạo thành dáng vẻ hình người. Nhưng nếu chỉ có như thế, thì có khác gì là đem hòn đá, hòn sỏi được đục đẽo, được gắn kết, được sắp đặt theo khuôn mẫu để trở thành một sản phẩm có hình dáng thằng người ? Những mối quan tâm đến dinh dưỡng, đến bữa ăn, giấc ngủ, đến thăm khám hình ảnh 3 chiều, 4 chiều… sẽ chỉ dừng lại là quan tâm về hình thức, về dáng vẻ của một sản phẩm đang được hình thành và sẽ được ra lò. Một quá trình hình thành và phát triển giống như ở loài thú nuôi con bằng sữa. Không, con người khác biệt, con người là loài có lý trí. Ngoài thể xác, con người là một sinh linh có cả tinh thần. Chính cái tinh thần mới làm cho con người là người.

Để con người sinh ra là người, chứ không phải một con người ra lò, ắt hẳn ngay từ đầu, ta phải chú trọng đến những yếu tố tinh thần của loài người. Ta cần xem xét và biến những yếu tố tinh thần của con người thành những hành động cụ thể. Mục đích là để cho «hạt giống tinh thần của loài người» được nảy nở, sinh trưởng trong thân xác con người đang được hình thành đó. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, «Hạt giống tinh thần của loài người» chính là lòng yêu thương, sự gắn kết và sự đồng cảm xuất hiện đồng thời trong khoảnh khắc hình thành hợp tử người.

Một sự hợp thành giao tử trong trạng thái hạnh phúc của bố và mẹ hay trong một sự cố ngoài ý muốn? Một thai nhi hình thành trong sự sẵn sàng chào đón với sự chuẩn bị đầy đủ về mặt dinh dưỡng của người mẹ hay trong sự vô tình, không may va vào nhau của tinh trùng và noãn bào? Một sinh linh hình thành, phát triển trong sự yêu thương, quan tâm của mẹ, của cha và của cả gia đình hay đó chỉ là một sự phát triển tự nhiên như một hạt giống gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm sinh trưởng hoặc bị nảy mầm trong điều kiện khô cằn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần?

Trạng thái tinh thần của người mẹ trước, trong khi mang thai và khi sinh nở, chất lượng quan tâm săn sóc của người cha và của gia đình, xã hội chính là những điều kiện để cho hạt giống ấy được nảy nở trong thân xác đang được hình thành của thai nhi. Tinh thần của người mẹ sẽ phản ánh trực tiếp vào tinh thần của người con. Còn tinh thần của người xung quanh gián tiếp tác động vào tinh thần của con thông qua cảm nhận của mẹ. Họ thổi hồn mình vào đứa con của mình một cách vô tình hay hữu ý? Nếu là hữu ý, người mẹ có ý thức được họ đang thổi hồn người, hồn thiên thần, hay hồn ác quỷ vào con mình? Hồn ấy được trú ngụ trong một thân xác con người thế nào?  Khi một đứa con tinh thần được sinh ra, người mẹ có hài lòng, hạnh phúc hay không? Và bản thân con người được sinh ra, họ có hài lòng và hạnh phúc khi được hiện diện hay không?

Người mẹ mang thai giống như nghệ nhân tạc tượng.

Người nghệ sỹ điêu khắc có ý thức nền tảng là họ tạc một bức tượng hình người có dáng vẻ thanh cao giữa muông thú. Vì vậy họ tìm ý tưởng, phác thảo thiết kế, lựa chọn chất liệu, luyện tập tay nghề, tỉ mẫn chăm chú giành thời gian, công sức, tài nghệ và ý chí để đẽo gọt cho tác phẩm ấy nhìn giống hình người đã phác thảo.

Còn người làm mẹ, nếu có ý thức nền tảng là mình đang tạo một sinh linh có nhân phẩm, có lý trí, có đạo đức thì hãy phác thảo rõ nét, lựa chọn kiến thức đúng để tạo ra những nét đó, giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần, tỉ mẩn chăm chút từng li từng tí cho từng nét vẽ, nét đục bằng chính tình yêu thương, sự quan tâm, sự gắn kết và sự đồng cảm của mình . Một sinh linh con người được hình thành và thực sự trở thành người hay không là do ý thức  «nhân vị con người» có chiếm bao nhiêu phần trăm vị trí chủ đạo trong hành trình kiến tạo đó.

Giật mình, ngắm lại hai bức tượng, tôi lại thấy nụ cười của chúng hạnh phúc biết bao.

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo