Skip links
Có cần thiết phải chủ động kiến tạo hôn nhân hạnh phúc không ?

Có cần thiết phải chủ động kiến tạo hôn nhân hạnh phúc không ?

Có chứ.

Vì sao ?

Ngày xưa, các cụ thường hay lo lắng sốt sắng chuẩn bị cho con cái để khi đến tuổi cập kê là “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. Thậm chí, các cụ còn xem tuổi, xem tướng, lá số tử vi, chọn ngày lành tháng tốt, giờ tốt để kết hôn, rước dâu vào nhà… Đó là cách mà các cụ tìm cách để con cái hạnh phúc, gia đình hưng thịnh, cửa nhà êm ấm. Các cụ cũng khẳng định rằng « Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn ».

Theo quan điểm Nho giáo, trong hôn nhân, vợ chồng cần tuân thủ theo đạo vợ chồng với những quy tắc cụ thể. Người làm vợ thì sống theo lẽ tam tòng (tòng phu, tòng tử) tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Người làm chồng thì sống theo ngũ thường của người quân tử (Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín). Trong gia đình Nho giáo, người chồng là người ở vị trí gia trưởng, có quyền quyết định mọi việc để Tề gia. Người vợ là người ở vị trí phục tùng, phụ thuộc, Nội trợ , trợ giúp từ bên trong. Người vợ bị mất đi sự tự do cho mình và sống theo quyết định của người khác.

Theo quan điểm Phật giáo, một cuộc hôn nhân lý tưởng là khi người vợ lý tưởng và người chồng lý tưởng sống bên nhau. Trong kinh Đại Bảo Tích, định nghĩa rõ ràng, “Người chồng lý tưởng phải tôn trọng vợ bằng năm bổn phận”. Cụ thể là: Lấy lễ đối đãi với vợ (kính trọng vợ), Chuẩn mực nhưng không hà khắc (chung thủy, giao quyền) ; Tùy thời cung cấp y thực và nhu cầu; Tùy thời tặng trang sức đẹp và cùng làm việc nhà với vợ. Đối với người vợ, Kinh Tăng Chi cũng chỉ rõ người vợ lí tưởng có 5 điều đạo đức đối đãi với chồng. Cụ thể là : Siêng năng, thức dậy trước chồng ; Nể chồng, trước sau, trong ngoài; Giúp đỡ, giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng ; Chung thủy ; Nhanh nhẹn lo toan. Tu tại gia cũng là một hình thức tu quan trọng trong Phật giáo.

Trong Kinh Thánh, để sống đời sống hôn nhân, vợ và chồng cũng có những quy tắc ràng buộc cụ thể. Trong sách Sáng thế ký, ở câu 24 chỉ rõ: Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương, một thịt. Trong Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, câu 22, 23 nêu cụ thể hơn về Người làm vợ: hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh… Câu 28 nói về người làm chồng: hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Câu 33 : Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Triết gia Hi lạp cổ đại Socrate (469 – 399 TCN)  nói “Nếu bạn có một người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu bạn có một người vợ tồi, bạn sẽ trở thành một triết gia”. Học trò nổi tiếng của ông Platon, không lấy vợ. Học trò thứ 2 nổi tiếng không kém của ông là Aristote, mặc dù coi thường phụ nữ vì họ không có “chim”, nhưng lại lấy đến 2 vợ.

Bạn thì sao ?

Còn bạn, nếu bạn không là người tin theo tôn giáo nào cả, trước hết, xin chia buồn vì bạn không được hướng dẫn để làm vợ, làm chồng thì cần tuân theo những nguyên tắc ứng xử nào. Sau đó là mừng cho bạn. Vì lúc này , bạn được sự tự do suy nghĩ, lựa chọn thế nào là một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bắt tay vào kiến tạo hôn nhân hạnh phúc. Hãy tận hưởng sự may mắn này để ta sống thực sự hạnh phúc trong một cuộc hôn nhân chủ động.
Ngược lại, bạn là một người có tín ngưỡng tôn giáo, hãy thực hiện cho đúng những quy tắc, nguyên tắc đã được học tập, giảng dạy và áp dụng nó theo hoàn cảnh riêng có của bạn.

Chúc các bạn có ánh nhìn rõ nét về hôn nhân, hiểu rõ thế nào là hạnh phúc để kiên trì hành trình kiến tạo hôn nhân hạnh phúc của chính các bạn.

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo