Skip links

Dinh,Vệ,Khí,Huyết 4 yếu tố giữ gìn sức sống của cơ thể

DINH, VỆ, KHÍ, HUYẾT:

Trong Đông y dinh vệ khí huyết là nói lên tác dụng dinh dưỡng, cơ năng bảo vệ bên ngoài và sự tuần hoàn khí huyết bên trong cơ thể. Chúng là bốn nhân tố sinh lý cơ bản của cơ thể sống. Khi 4 nhân tố này bị thay đổi, rối loạn thì cơ thể cũng sinh rối loạn, bệnh tật. Để trị bệnh tận gốc, thầy thuốc đông y căn cứ vào biểu hiện thay đổi mà phân tích phán đoán để đặt ra phương pháp điều trị phù hợp.

1) Dinh: Dinh có nghĩa là dinh dưỡng, dinh vân, là chất có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể theo đường kinh toại.
Thiên dinh vệ sinh hội sách Lịnh khu nói: “Người ta nạp khí từ thuỷ cốc vào vị rồi chuyển sang phế, lục phủ ngũ tạng đều hấp thu khí ấy, thanh là thuộc dinh, trọc thuộc vệ, dinh ở trong mạch, vệ ở ngoài mạch” lại nói: “Dinh là tinh khí của thức ăn, dinh là khí ở chỗ thu nạp cốc khí vào vị, truyền sang phế, tràn đầy ở trong, phân tán ra ngoài, phần tinh đi trong đường kinh toại (đường ngầm trong kinh mạch) dinh dưỡng liên tục không ngừng”.

Như vậy dinh là từ thức ăn trải qua tiêu hoá ở tỳ vị, thu hút những chất tinh ở trong đó mà hoá sinh ra cho nên mới gọi dinh là tinh khí của đồ ăn thức uống, từ vị truyền sang phế, đi vào huyết mạch vận hành không ngừng trong cơ thể.

2) Vệ: Vệ là bảo vệ giữ gìn cơ thể không cho tà khí xâm nhập vào sinh ra bệnh. Nó cũng là một chất khí. Vệ cũng như dinh có nguồn gốc từ tinh khí của thức ăn đồ uống, nhưng khác nhau ở đường vận hành. Vệ đi ngoài mạch, dinh đi trong mạch.

Thiên tỷ luận sách Tố Vấn nói: “Vệ là khí mạnh mẽ của thức ăn, khí ấy nhanh nhẹn trơn chảy nên không thể đi vào trong mạch, nó đi trong da, thớ thịt, bốc vào trong các màng mỡ, tản mác ở lồng ngực, bụng”, Thiên tà khách sách Linh khu lại nói: “Vệ khí là khí mạnh mẽ nhanh nhẹn đi khắp tay chân, da thịt liên tục không ngừng”.

Như vậy bản chất của vệ khí là khí mạnh mẽ trong tinh khí của đồ ăn thức uống, có tính lưu lợi vận động nhanh nhẹn phân bổ ở ngoài đường mạch đi khắp da thịt, màng mỡ tản mác khắpc cơ thể.

3) Khí: ý nghĩa của khí trong Đông y rất rộng, khí ở đây là “Chân khí”. Nguồn gốc của nó:

Một phần của khí trời đất qua đường hô hấp của phế vào, một phần là tinh khí của thức ăn hợp lại để nuôi dưỡng cơ thể” đó là chân khí do hai nguồn khí nói trên hợp lại mà thành, công năng của nó là nuôi dưỡng toàn thân.

Do sự phân bố và tác dụng khác nhau cho nên có tên gọi khác nhau. Thiên ngũ vị sách Linh khu nói: “Khi thức ăn mới vào vị thì phân ra lưỡng tiêu (thượng tiêu và trung tiêu) tưới nhuần năm tạng, đi ra hai đường dinh và vệ, còn ” đại khí” không đi mà chứa lại ở lồng ngực vào phế đi ra yết hầu cho nên khi thở thì ra khi hít thì vào”.
Như vậy tinh khí từ thức ăn, đã hóa thành khí, phân bổ ra thượng tiêu và trung tiêu, chia ra dinh khí và vệ khí đi hai đường tuần hoàn khắp cơ thể, nuôi dưỡng ngũ tạng lục phủ.
Phần khí được phân bổ trong lồng ngực gọi là “đại khí” hay “tông khí” theo đường họng mà thở ra hút không khí vào, kết hợp với khí của thức ăn đã được chế hóa gọi là chân khí, chân khí là nguyên khí.

Khí trời đi theo đường mũi vào họng, khí của thức ăn đi theo đường miệng vào thực quản. Khí này khi nằm trong bụng mẹ gọi là khí tiên thiên, khi đã sinh ra gọi là khí hậu thiên, khí ở phần dương gọi là dương khí, khí ở phần âm gọi là âm khí, ở phần biểu gọi là vệ khí, ở phần lý là dinh khí, ở tỳ là sung khí, ở vị là vị khí, ở thượng tiêu là tông khí, ở trung tiêu là trung khí, ở hạ tiêu là khí nguyên âm và khí nguyên dương.

Nguồn gốc của khí tuy là một nhưng do phân bố và tác dụng của nó khác nhau, nên có những tên gọi khác nhau . Nhưng chân khí vẫn là chân khí căn bản của các khí.

4) Huyết : Huyết là chất dịch màu đỏ lưu thông trong huyết quản để nuôi cơ thể.

Thiên quyết khí sách Linh khu nói : “Trung tiêu nhận lấy tinh khí của thức ăn biến chất lỏng thành sắc đỏ gọi là huyết “ lại nói “ Dinh khí lọc tân dịch chảy về các mạch làm huyết, để nuôi dưỡng cơ thể ra ngoài chân tay vào các phủ tạng”. Như vậy nguồn gốc của huyết là từ tinh khí của thức ăn, cụ thể là từ dinh khí và tân dịch kết hợp lại với nhau thông qua tác dụng của khí hóa ở trung tiêu mà thành huyết. Huyết lại cùng dinh khí lưu hành một lúc trong huyết mạch. Trong thì chu lưu khắp tạng phủ. Ngoài thì dinh dưỡng tứ chi bách hài của toàn thân.

Vệ, khí, dinh, huyết có quan hệ chặt chẽ với nhau: Vệ và khí đều là khí cơ nhưng vệ chủ phần biểu, khí chủ phần lý. Dinh, huyết đều từ thức ăn uống của ngũ cốc mà hóa sinh ra nhưng dinh là tiền thân của huyết, là khí ở trong huyết.

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo