Skip links
Ghi chép nhỏ ở ven hồ Genève

Ghi chép nhỏ ở ven hồ Genève

Ngày 24 tháng 6, vợ chồng tôi và cô Mai di chuyển từ Annemasse đến Genève để thăm quan. Đây là lần đầu tiên tôi đến Thụy Sĩ. Tôi biết là đất nước Thụy Sĩ nổi tiếng về đồng hồ, Genève nổi tiếng có trụ sở của Liên hiệp quốc nhưng tôi muốn đến ngắm vòi phun nước cao nhất thế giới nằm trên hồ Genève. Do vậy, chồng tôi đã chọn đường thẳng đến hồ Genève.

Chuyện đi ô-tô trên đường, nụ cười thân thiện làm đẹp lòng người phương xa ghé chơi

Từ thành phố Annemasse (Pháp) sang Genève, chúng tôi đi cao tốc hết 20 phút. Genève đón chúng tôi là những biển báo chuyển từ màu xanh lam sang màu xanh lục. Vận tốc từ 70km/giờ xuống còn 60km/giờ.

Câu chuyện đầu tiên khiên tôi ngạc nhiên đó là màu sơn của hệ thống radas bắn tốc độ. Chúng được lắp trên cao, được sơn màu trắng và có cả hai ống kính to đùng. Ở Pháp, Rada màu trắng sẽ là những chiếc máy to sụ, nằm lù lù ngay vệ đường. Những chiếc rada trên cao, dù nhỏ, dù to thì đều sơn đen để người đi đường nhận thấy từ xa. Tôi thầm nghĩ, nếu dân du lịch bụi như chúng tôi mà không chú ý lái xe đúng tốc độ, có lẽ sẽ tốn hầu bao kha khá vì vừa khác về giới hạn vận tốc lại vừa không dễ nhận diện để mà đối phó. Vẫn chưa hết, đường ở Genève cũng có sự phân làn. Làn riêng dành cho xe buýt, xe taxi và xe khác liên tục xuất hiện. Nhưng điều ngạc nhiên là xe con gia đình như chúng tôi, vẫn đi vào làn đó, kể cả đó là xe đạp. Tôi tự hỏi, không biết cái đám rada đó có chụp hình và phạt nguội như một số nước vẫn đang áp dụng không ?.

Tiếp đến, khi gia đình tôi đi theo GPS để đến hồ Genève thì bắt gặp việc sửa đường. Vốn có xây thì sẽ có sửa, đó là chuyện thường tình. Cảm thấy bực bội vì chờ đợi, cảm thấy khó chịu vì khó kiếm chỗ đậu xe, cảm thấy sốt ruột và phiền toái vì sự lưu thông chậm chạp… tất cả tan biến khi bắt gặp nụ cười thân thiện, ấm áp và hành động di chuyển mau lẹ, nhịp nhàng của cô gái điều khiển giao thông trên tuyến đường. Do khó kiếm chỗ đậu, nên gia đình tôi quay đi quay lại mấy lần, và lần nào cô ấy cũng rạng rỡ và linh hoạt như vậy. Thật tử tế khi làm một công việc phức tạp bằng một nụ cười thân thiện, ấm áp. Một nụ cười ấm áp đem lại sự dễ chịu biết bao.

Câu chuyện trong hầm gửi xe siêu thị COOP, chu đáo từ nhu cầu nhỏ nhất.

Sau một hồi quay vòng vòng không thấy được chỗ đậu xe thuận tiện, rút cuộc chúng tôi quyết định đi vào hầm gửi xe của siêu thị COOP, và chỗ này cách hồ không xa. Thực sự, đến chỗ không quen nên cái gì cũng thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ. Phải mất một ít thời gian định vị lại, chúng tôi đã nhìn thấy những vạch chỉ dẫn đi lên lầu. So với tầng hầm gửi xe ở Pháp, nơi tôi thường hay gửi thì tôi phát hiện ra thang máy ở COOP có sự chu đáo hơn hẳn. Không chỉ là bấm nút để gọi thang máy đến mà bảng điều khiển thang máy ở ngoài còn cho phép người ta chọn tầng cần đến ngay lập tức. Vì thế, chỉ cần chọn 1 lần thôi là đã có thể đàng hoàng đi đến lầu mình muốn rồi. Thì ra ở thành phố xếp thứ 9 trong danh sách những thành phố hạnh phúc nhất thế giới năm 2024 này, người ta chủ động thiết kế thang máy công cộng cũng tính toán và thay đổi để cho người dùng được thuận tiện hơn. Chu đáo thật đấy.

Câu chuyện ở tiệm thuốc tây ở đường Eaux-vives, tiệm bán thuốc hay phòng trưng bày nghệ thuật ?

Do quên thuốc nên cô Mai bị ho nhiều hơn. Cũng nhờ sự quên đó mà tôi có dịp chiêm ngưỡng tiệm thuốc tây ở 16 rue des Eaux-vives. Số là, ở Coop, chúng tôi đi hai tiệm thuốc nhưng họ không có loại thuốc mà bác sỹ đã kê cho cô Mai. Vì thế mà họ giới thiệu cho chúng tôi một cửa hàng chuyên bán sản phẩm đang cần tìm. Đi bộ lòng vòng một hồi thì chúng tôi cũng tìm thấy tiệm thuốc ở 16 rue des Eaux-Vives. Ôi, bước chân vào tiệm tôi ngỡ ngàng trước cách bài trí trong tiệm. Đây không phải là tiệm thuốc mà một phòng trưng bày nghệ thuật theo trường phái cổ điển. Cửa hàng có tuổi đời 30 năm, các sản phẩm rất phong phú về hình thức như viên, siro, xịt … được sáng tạo từ phòng nghiên cứu ở ngay trên lầu. Cái làm tôi cảm thấy ngạc nhiên và thực sự “đã mắt” đó là chúng được trưng bày trên các kệ gỗ mun được chạm khắc uốn lượn. Tượng bán thân, tranh nghệ thuật và các dụng cụ chế thuốc bằng đồng được bài trí trong một căn phòng rộng, trần vẽ bích họa hoa cỏ và có hệ đèn chùm pha lê. Ngay cả quầy giành cho dược sĩ cũng là một tác phẩm chạm trổ nghệ thuật. Tất cả khiến tôi mê mẩn như mình đang lạc vào một phòng trưng bày các vật phẩm vô giá lâu đời của các quý tộc Châu Âu.

Con người sinh ra là một kiệt tác nên việc chế tạo, sản xuất và cung cấp sản phẩm chăm sóc con người cũng xứng đáng là một nghệ thuật vì thế nó cần được trưng bày và tôn vinh. Và họ đã trân trọng tôn vinh tinh thần chăm sóc con người trong một không gian tuyệt vời như vậy. Ôi, một điều đáng để ta suy ngẫm và thay đổi nhận thức của chính mình.

Câu chuyện ở Bốt sách cũ tự chọn và câu chuyện đọc sách cũ.

Rời khỏi tiệm thuốc Eaux-vives, chúng tôi tiếp tục đi bộ hướng về hồ Genève. Chợt tôi nhìn thấy cái chòi xây khá vững chãi giống một kios bán báo ngày xưa, nhưng nhỏ xíu, gắn gạch kính để lấy sáng và được sơn màu vàng nhạt. Tò mò, tôi lại gần nhìn cho kĩ. Chẳng thấy ai ở trong đó, chỉ thấy có hai cái phòng trong đó mỗi phòng lại được lắp 3 cái kệ đựng sách và một cái xô đỏ có nắp đậy kín. Tôi đi hẳn vào bên trong. Mỗi phòng chỉ đủ chỗ cho một người đứng vào tìm sách. Không gian thực sự nhỏ hẹp nhưng sáng, không mùi hôi hay mùi ẩm mốc, nền cũng không một mảnh rác. Trên ba kệ, những cuốn sách cũ được xếp theo từng chủ đề từ tiểu thuyết, đến sách học. Họ để ở đó cho người cần có thể lấy. Nếu như ở thành phố của tôi sống, các kệ sách cũ này thường xuất hiện ở siêu thị hoặc những khu vui chơi, thì lần này, ở Genève, tôi thấy kệ sách cũ được tọa lạc cả ở vỉa hè của thành phố, ngay cạnh một parking nho nhỏ. Tinh thần đọc sách của người châu Âu thật đáng học tập.
Cũng ở đó tôi đã tìm được cuốn Le petit Philosophe de poche, do Gabriel Pomerand, một nhà thơ, người sáng lập chủ nghĩa chữ người Paris, sưu tầm được nhà xuất bản Libraire Générale Française xuất bản năm 1962. Mở cuốn sách một cách tình cờ, tôi bắt gặp một câu nói nổi tiếng của Duc de Lévis, “Soyez meilleurs, vous serez plus heureux. Voilà la plus puissante leçon de morale car elle est fondée sur l’intérêt.”(Hãy trở thành những gì tốt nhất, bạn sẽ là hạnh phúc nhiều hơn. Đây là bài học mạnh mẽ nhất của tinh thần vì nó được dựa trên sự lý thú.). Với tôi, điều này thật là một gợi ý tuyệt vời. Dù ta đang làm gì, ở đâu, hãy trở thành những gì tốt nhất, và tôi sẽ là hạnh phúc nhiều hơn. Một cuốn sách hơn 60 tuổi, được tập hợp bởi một nhà thơ, một nhà sáng lập chủ nghĩa chữ trong tranh của thế kỷ XX, một câu nói của nhà quân sự, một nhà tư tưởng nổi danh của thế kỉ XVII đã chỉ dẫn cho tôi luôn thấy mình là hạnh phúc. Đây quả thực là một kỉ niệm ngọt ngào khi đến thăm quan “trái tim” thành phố Genève.

Câu chuyện ở đài phun nước Jet d’eau và đôi chim Poule d’eau.

Mục đích là đến ngắm tháp phun nước Jet d’eau nên chúng tôi tất nhiên phải lại gần khu vực thác nước để ngắm tận nơi dù lúc loanh quanh tìm chỗ đậu xe, trên trục đường chính, chúng tôi đã chiêm ngắm chiều cao 140m của dòng nước được phun ra từ tháp. Tháp nước Jet d’eau cao nhất thế giới này vốn là van xả áp của hệ thống thủy lực bơm nước sử dụng cho các nghệ nhân và thợ thủ công của thành phố Genève nhưng người Thụy Sĩ đã sớm được nhận ra vẻ đẹp của nó nên đài được dời về địa điểm hiện tại. Ngày nay, Jet d’Eau hoạt động nhờ vận hành bởi 2 máy bơm có lực đẩy 200 km/giờ, với độ cao 140 mét và trở thành biểu tượng của đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp này. Nhưng dù muốn được ít nhất là nước hồ Léman làm ướt , nhưng đã quá giờ người ta phun nước nên chúng tôi cũng chỉ có thể đi loanh quanh, ngắm cảnh và hít thở sự trong lành của không khí. Cũng đến ngắm vị trí của máy bơm thủy lực, tôi thấy có cả đoàn học sinh, mấy hộ gia đình cũng có mặt. Ba chúng tôi thong thả đi trên mấy cầu phao bằng gỗ nhưng rất chắc chắn. Họ còn làm thành cầu quay để thuyền bè dễ dàng ra vào khu vực cảng. Nước hồ xanh trong nhìn thấy đáy. Tôi căng mắt nhìn xem có đàn cá nào tung tăng bơi lội không, nhưng chẳng thấy gì cả. Đúng là nước trong thì không nhìn thấy cá. Trong lúc ngồi chơi, ngắm đô thị quanh hồ, tôi thấy một cặp đôi poule d’eau đang cùng nhau xây tổ. Một con cứ thế lặn xuống để kẹp về những nhánh rong, chuyền cho con kia đắp cao cho chiếc tổ chúng đang làm. Miệt mài lặn tìm, kẹp lấy, ngoi lên, bơi về phía chiếc tổ rồi đưa cho con kia. Con kia thì kẹp không rơi lần nào, xoay qua, xoay lại để tìm chỗ phù hợp đặt cành rong vào vị trí nó thấy phù hợp. Chẳng mấy chốc, cái ổ chung cao dần lên. Rồi chúng đổi vị trí cho nhau, để tiếp tục công việc xây tổ. Ngoài xa xa, có thêm 3 con khác lông sặc sỡ thoải mái ngụp lặn nhưng hai con poule d’eau đen này vẫn tiếp tục luân phiên xây nhà. Trong cuộc sống hôn nhân, chúng ta cũng đang ngụp lặn trong các bể công việc, bể mưu sinh để mà xây tổ, nhưng có mấy ai biết đổi chỗ cho nhau để chiếc tổ được xây lên trong sự thấu hiểu, đồng cảm vì đã thực sự đứng vào vị trí của nhau ? Nếu làm được như hai con poule d’eau này, tôi nghĩ hôn nhân chắc chắn không phải là mồ chôn tình yêu như nhiều người đã từng cay đắng thốt lên.

Câu chuyện trong nhà thờ Saint Joseph, không tình yêu, niềm tin chết

Trên đường quay lại tầng hầm gửi xe, chúng tôi đi qua một nút giao thông khá phức tạp, thời gian chờ đèn xanh cho người đi bộ khá lâu nên mắt cứ nhìn vẩn vơ xung quanh. Tôi thấy ở phía đối diện có một nhà thờ nhìn rất mới mẻ. Thực sự cái vẻ ngoài của nhà thờ không thu hút tôi muốn khám phá điểm tương đồng so với nhà thờ Gothique ở Pháp, mà tôi lại muốn khám phá xem nhà thờ sơn vàng nhạt (lại là vàng nhạt) với mái ngói xanh xám đầy tính hiện đại này có gì mới mẻ. Vậy là tôi rủ cô Mai và chồng băng qua đường để ghé thăm. Quả nhiên, sự hiện đại thể hiện nay từ cánh cổng tự động. Một cánh cổng tự động mở ra, chào đón bạn bước vô ghé thăm chúng tôi. Cái này lạ à nha, nó khác hẳn nhà thờ ở Pháp mà tôi đã có dịp ghé thăm, vốn dĩ sử dụng cửa gỗ bọc kim loại chạm trổ cổ kính. Nhưng, bước chân vào bên trong thì, sự cổ kính, nét nghệ thuật đặc trưng của nhà thờ Gothique hiển hiện rất rõ ràng. Mái vòm cong cong, những cột trụ thẳng đứng cao vút tạo nên một sự khoáng đạt, chạm tới phần thiêng liên cao cả. Những bức tranh kính nhiều màu kể lại câu chuyện được ghi lại trong kinh Thánh, tượng Chúa phía trước và bích họa phía sau nơi cha đứng giảng …vẫn thực sự giữ nguyên hồn Gothique đặc trưng. Hóa ra, sự trùng tu năm 2019 đã khoác lên dáng vẻ bề ngoài hiện đại cho nhà thờ. Nhưng cốt tủy của một nhà thờ Gothique được xây dựng từ thế kỉ XVIII vẫn được giữ nguyên. Chiêm ngắm những bức tranh tuyệt đẹp về chúa Jesus mang màu đỏ gạch ở bích họa phía sau bục giảng trong không gian ánh sáng xuyên qua các tấm tranh kính cao vút, khiến tôi cảm thấy dường như thời gian đã trôi qua ở đây một cách chậm rãi.

Bần thần nhìn ngắm, rồi tôi chậm rãi quay người theo hướng ngược lại, nhìn về phía xa cuối tường phía bên phải, tôi lại nhìn thấy một bức tranh lớn, vẽ hai thánh đang trò chuyện cùng nhau. Hỏi cô Mai thì cô nói đó là bức tranh vẽ thánh Antoine, người được mệnh danh là thiên tài nói chuyện, ông nói hay đến mức chim phải sa xuống tay, cá phải nổi lên để nghe cho đặng đầy đủ nhất. Và câu nói trích dẫn từ lời chia sẻ của Thánh Antoine khiến tôi phải suy nghĩ mãi không thôi. “Sans amour, la foi meurt”. Ồ, điều gì đây, “không tình yêu, niềm tin chết” ? Vì sao thánh Antoine lại nói như vậy nhỉ? Theo ý Ngài, có phải tình yêu là dưỡng khí cho niềm tin sống ư ? Mà niềm tin lại là ngọn đèn ý chí dẫn đường cho con người vượt lên bao khó khăn. Vậy có phải mọi tình yêu không hay cần phân định rõ loại tình yêu nào mới thực sự là dưỡng khí cho niềm tin ?

Trong đời sống chúng ta, những loại yêu đương để thỏa mãn dục tính có làm cho niềm tin sống không ? Không. Đương nhiên là không phải. Vì dục tính thì không liên quan đến niềm tin. Dục tính thì chỉ cần tìm ra cách để thỏa mãn. Thế thôi. Đó là hành vi thỏa mãn dục tính mượn danh của yêu đương. Tình yêu mà thánh Antoine nói đến không thể là tình yêu trần tục như vậy.

Tôi lại nghĩ đến tình yêu của những nhà khoa học. Điều gì khiến họ làm thí nghiệm đến cả ngàn lần giống nhau ? Nếu không phải tình yêu đối với khoa học thì họ làm gì có niềm tin là mình cứ làm đi làm lại thí nghiệm đi, mình sẽ tìm ra được kết luận đúng ? Đây rồi, tình yêu của các nhà khoa học làm nghiên cứu hay khoa học là một tình yêu có tính cống hiến thì niềm tin mới xuất hiện. Mà rõ ràng, tình yêu của họ càng lớn thì họ lại càng có niềm tin phát triển khoa học của mình.

Trong tình cảm, còn có một tình yêu rất thiêng liên, tình yêu dâng hiến không cần chứng minh, chỉ có tình yêu và hành động dâng hiến cho những lí tưởng của mình. Những người như vậy, càng dâng hiến, càng thấy niềm tin hiện diện ngập tràn nơi tâm hồn họ. Càng thấy những gì mình tin hiện diện rõ ràng ở nơi chính họ và ở xung quanh họ. Khi bạn dành tình yêu cho cái tốt đẹp ở con người, bạn có niềm tin ở nơi tốt đẹp của con người. Càng dâng hiến cho cái tốt đẹp ở nơi con người, niềm tin về cái tốt đẹp ở nơi con người càng được củng cố. Bạn lại càng có ý chí vượt qua khó khăn để chiêm ngắm được, để sống với cái tốt đẹp ở nơi con người.

Chính cống hiến, dâng hiến mới làm cho Tình yêu là dưỡng khí, mới đi vào, hòa quyện để biến hình thành chất nuôi dưỡng niềm tin. Tình yêu làm cho niềm tin sống dậy, niềm tin càng sống dậy, tình yêu lại càng mạnh mẽ. Do vậy hai từ TIN YÊU luôn song hành với nhau.

Giật mình chuông điểm 12h trưa, ồ thì ra tôi mới được Thánh Antoine hé mở rằng, nhờ tình yêu cuộc sống tốt đẹp mà tôi càng có niềm tin cuộc đời mình tốt đẹp. Càng tin cuộc đời mình tốt đẹp, tôi càng nhận ra đúng là cuộc đời mình thật tốt đẹp, thật hạnh phúc.
Còn bạn, bạn yêu điều gì trong cuộc đời này ? nó có giúp bạn có thêm niềm tin hay không ? nếu yêu mà làm cho niềm tin giảm bớt, hãy quay lại xem yêu của mình đã có cống hiến, có dâng hiến hay chưa nhé. Thử đi, bạn sẽ thấy thánh Antoine hé mở cho bạn những chỉ dẫn diệu kì.

Ghi chép lại ở Tinqueux 30.06.2024

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo