Sách vốn là nơi tác giả chia sẻ, trình bày ra những suy nghĩ, hiểu biết của mình ra cho người khác. Bởi vậy mà đọc sách Thánh Hiền thì thành người quân tử, đọc sách Triết lý thì thành con người biết suy tư. Sách là một phương tiện truyền tải kho tàng kiến thức nhân loại.
Người ta vốn chỉ cần biết chữ, biết từ là có thể đọc được sách. Nhưng để hiểu được những điều tác giả trình bày trong một cuốn sách thì người ta lại cần có kỹ năng đọc. Đọc để hiểu nghĩa của một từ, hiểu nghĩa của một câu, một đoạn và một tập hợp các đoạn. Kỹ năng càng khoa học thì hiểu sẽ càng nhanh, tốc độ đọc cũng cải thiện. Trí não trở nên bén nhạy.
Kỹ năng đọc hiểu là một kỹ năng căn bản để một người có thể phát triển tri thức và là một trong kỹ năng căn bản để tự học. Nhưng những người làm việc với ngôn từ nhiều và sành sỏi về nghệ thuật câu, từ vẫn không tốn ít lời ca ngợi nghệ thuật đọc sách. Ta có thể hiểu đó là một hệ thống những hành động để làm cho việc đọc sách trở nên đẹp hơn cho chính người đọc. Đừng hiểu nghệ thuật đọc ở việc bài trí không gian đọc, ở việc mua sắm những cuốn sách lộng lẫy để trưng trổ, ngắm nghĩa, cũng không chỉ là đọc sao cho nhanh, cho nhiều đầu sách. Nghệ thuật đọc sách mà tôi muốn nói ở đây là nghệ thuật chủ động đón nhận tri thức, khám phá tri thức và làm giầu vốn tri thức của bản thân, không chỉ chiều rộng mà còn cả ở chiều sâu mà tác giả gửi gắm trong từng cuốn sách.
Thực tế, một người nắm kỹ năng đọc sách sẽ hiểu nhanh, đọc nhanh. Nhưng người nắm được nghệ thuật đọc sách thì lại có thể làm cho mình có khả năng đón nhận cả kho tàng tri thức của nhân loại. Bởi vì người có nghệ thuật đọc sách trước hết là người biết các kỹ năng đọc ở nhiều cấp độ khác nhau. Nhưng người giỏi về nghệ thuật đọc sách thì họ còn biết cách sắp xếp các tri thức thu nhận được và sử dụng chúng theo cách của mình. Khi đó họ nắm được tri thức sâu xa mà tác giả nói tới, hiểu được các khía cạnh trong một chỉnh thể thông tin.
Người biết về sự tồn tại nghệ thuật đọc sách mà không tìm hiểu nó, chính là biết có mỏ vàng dưới chân nhưng chọn cách không đào để tìm thấy vàng. Người học nghệ thuật đọc sách mà không chịu luyện nó trở thành một thói quen đọc thì cũng giống như một người nông dân gieo hạt giống xuống mảnh vườn rồi bỏ mặt cho cây tự sinh tự diệt. Người chịu khó cày sâu cuốc bẫm với nghệ thuật đọc sách, ắt hẳn sẽ trở thành một người bác học, có kiến thức uyên thâm và rộng lớn.
Suy nghĩ từ việc đọc cuốn “Phương pháp đọc sách hiệu quả” của Mortimer Alder và Charles Van Doren.
Tinqueux ngày 16.06.2024