Sáng nay tôi vẫn tiếp tục đọc cuốn sáng “Đời ngắn lắm, đừng ngủ dài” của Robin Sharma. Trong bài viết có tựa đề “Không có lỗi”, tôi có thể vắn tắt hiểu đại ý của tác giả là “Không có lỗi, không có thất bại thực sự. Tất cả đều là cơ hội để trưởng thành.”
Thật ra, bản thân tôi lại nhận thấy cần phân biệt rõ ràng hai yếu tố, lỗi và thất bại.
Thứ nhất, lỗi hay tội lỗi có liên quan đến trách nhiệm của cá nhân đối với hành vi của mình. Tội, tội lỗi được phán xét từ bên trong lương tâm con người và được phán xét bởi cả bên ngoài (người khác, xã hội, pháp luật).
Thứ hai, thất bại là kết quả của hành động. Thất bại thì có thể dẫn đến hoặc không dẫn đến tội, lỗi bị phán xét ở bên ngoài nhưng đối với lương tâm cá nhân thì sẽ vẫn có sự phán xét.
Nếu đã phạm vào việc không được làm, không làm xong việc buộc phải xong thì chắc chắn cá nhân đó phải chịu tội.
Nếu phạm phải việc không được làm, không hoàn thành việc buộc phải xong mà có yếu tố giảm trừ trách nhiệm như thiếu hiểu biết, bị ép buộc hoặc do chủ quan… thì yếu tố phải chịu trách nhiệm cũng được giảm bớt, khi phán xét theo luật định, theo sự bình phẩm của bên ngoài.
Đối với bản thân tác giả của hành động, việc tự nhìn nhận ra trách nhiệm của bản thân trong mọi hành động là một việc phải thường xuyên tu dưỡng, luyện tập. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì:
+ Khi người ta nhìn thấy trách nhiệm của mình đối với việc mình làm thì người ta sẽ suy nghĩ kĩ hơn trước khi hành động. Kết quả là, làm giảm trừ được những sai lầm đáng tiếc. Tội lỗi sẽ vì thế mà bớt xảy ra.
+ Khi người ta nhìn thấy trách nhiệm mà vẫn quyết định làm, thì người ta có sự sẵn sàng trả giá, lãnh chịu trách nhiệm. Đây là một đòi hỏi để người đó thực sự trưởng thành về nhận thức, về ý thức và cả về năng lực. Một trong những yếu tố để người đó có thể tự do làm chủ những phần việc bắt buộc phải làm. Trở thành người hiên ngang, trí tuệ và tự do trong mỗi việc mình làm.
Con người sẽ là người hơn khi nhìn thấy trách nhiệm và dám đảm nhận trách nhiệm đối với bản thân và đối với người khác.
Về ý của tác giả, mình nhận thấy sự lạc quan trong nhận định. Nó đúng khi những lỗi, những thất bại có ảnh hưởng không nhiều đến cuộc sống, đến kinh tế của người khác, đến thượng tôn pháp luật. Trong trường hợp đó, tác giả của hành vi luôn có cơ hội trưởng thành từ thách thức và thất bại. Họ được học bài học về phải bồi dưỡng trí tuệ trước khi hành động, phải rèn luyện kỹ năng đạt yêu cầu trước khi hành động cũng học được luôn bài học về ý chí, nghị lực và tình yêu đối với việc mình làm.
Để hạn chế mắc sai lầm dẫn đến thất bại, thiếu hiểu biết dẫn đến tội lỗi thì con người cần bắt đầu từ hiểu biết đúng, đầy đủ và rõ ràng về mục đích của hành vi, phương pháp thực hiện hành vi.
Bằng không thì giá phải trả sẽ rất nhiều và rất đắt.
Biết ơn tác giả Robin Sharma đã cho tôi có một cơ hội để có một góc nhìn khác và ôn lại nội dung “tội lỗi và sự giảm trừ tội” trong môn học “Hành vi nhân linh” của mình.