Skip links

Ngẫm về chụp ảnh

Sự phát triển của máy ảnh số, của điện thoại thông minh và giờ đây là cả công nghệ AI đã khiến cho ngày càng nhiều người bấm máy lia lịa, đôi khi còn tự hào về khả năng chụp và chỉnh sửa ảo diệu của mình. Bản thân tôi cũng không ít lần, ham muốn ghi lại một cảnh đẹp nào đó mà chụp ảnh selfie hay dùng aps chỉnh ảnh nào đó để khiến bức ảnh trông cho có vẻ lung linh hơn. Rồi nhìn vào những tấm ảnh chụp vội vàng một cách công nghiệp, tôi băn khoăn tự hỏi, cái gì là chất của một bức ảnh mình chụp ?

Rõ ràng, dưới góc độ là người xem, khi nhìn và cảm nhận về một tấm ảnh là khi cách ta đón nhận kết quả của một chuỗi sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Đó là sản phẩm nghệ thuật được tạo ra từ tư duy chụp ảnh, kỹ thuật bấm máy thể hiện nội dung ý tứ của người cầm máy. Cảm xúc, sự rung động, ấn tượng thông điệp khi ngắm nhìn một bức ảnh được phản ảnh đầy đủ thông qua bố cục hình ảnh, ánh sáng, màu sắc của bức ảnh đó. Ta chụp thì ta là người sáng tạo. Khi ta nhìn lại bức ảnh thì ta lại là người xem. Có khi nào, tự nhìn lại ảnh mình chụp mình vẫn nhớ được nội dung ý tứ khi chụp, vẫn giữ nguyên được cảm xúc khi chụp bức ảnh đó ?

Có người nói rằng, nhiếp ảnh là một ngôn ngữ. Mỗi người bấm máy chính là người nói ngôn ngữ bằng giọng điệu của mình. Cũng là một ngôn ngữ đó nhưng mỗi người sẽ có giọng nói riêng. Do vậy mà bản thân người cầm máy lên để chụp ảnh chính là khi bản thân cất lên giọng nói của chính mình. Đó là sẽ giọng nói của một con người có tâm hồn đẹp hay sẽ là giọng nói chứa đựng đầy sự mưu mô, tính toán, xấu xa hay sẽ là giọng nói của một con robot vô cảm ?

Ngay cả khi trên một tấm hình tất cả từ bố cục, ánh sáng, màu sắc của chủ thể, tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh hay kỹ thuật chụp đều tuân thủ theo những nguyên tắc, nguyên lý rất chuyên nghiệp nhưng bản thân người xem không cảm nhận được hồn của bức ảnh thì chính ta, ta là người có lỗi. Ta có lỗi vì không tạo ra Hồn của bức ảnh. Khi bản thân tự nhìn lại tấm hình đã chụp, cũng không thể nhớ được nội dung, ý tứ và cảm xúc của mình khi chụp nó, ta lại càng là một kẻ cầm máy tồi tệ với chính những thời khắc lao động nghệ thuật của mình.

Ngẫm nghĩ đến đây tôi nhận ra rằng, trong cái thời mà kỹ thuật ngày càng phát triển, một tấm ảnh lung linh, khiến người ta đã mắt không còn quá khó nữa thì để mỗi tấm ảnh có chiều sâu, đẹp đẽ, khó quên, người cầm máy cần tự trả lời câu hỏi “ta thổi hồn gì vào bức ảnh sắp được chụp ?”. Tư duy chụp ảnh chỉ có CON NGƯỜI đang cầm máy có mà thôi. Đó mới là phần hồn mà không có một máy móc nào, phần mềm nào có thể thay thế con người.

Tinqueux, ngày 15.12.2023

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo