“Ôi, sao toàn ăn cái loại mận xanh chua chát thế kia?” Một người mẹ nói với con. Đứa con chỉ cười và trả lời,”con thích vị chua chát đấy mẹ ạ”. Nhưng buổi tối, nó tìm món mận chua chát mà nó thích, thì món mận đó đã không còn. Nó biết rằng, mẹ lại vứt đi hết rồi. Nó buồn vì sở thích đơn giản của nó không được mẹ tôn trọng.
Cuộc sống là một điều kì diệu. Người con được sinh ra bởi sự kết hợp giữa gen của cha và của mẹ. Gen của cha và của mẹ cũng là sự kết hợp giữa gen của ông và của bà hai bên nội ngoại… Do vậy, trong cơ thể của mỗi con người đều mang trong mình sự kết nối tự nhiên với nguồn gốc hình thành. Sự kết nối này được gọi là những yếu tố di truyền trong cơ thể con người. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là vậy.
Nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả. Cũng là gen của cha và của mẹ, mỗi con người lại là một bản thể riêng biệt, độc đáo. Anh chị em trong gia đình cùng mang gen của bố và của mẹ, ngay cả anh chị em sinh đôi cùng trứng vẫn sự khác nhau về tính cách, khả năng, thế mạnh … “Anh chị em trong nhà giống như 5 ngón tay, có ngón ngắn, ngón dài”. Bởi vậy mà, mỗi con người đều có sự độc lập, có sự tự do hành động, có ý nghĩ riêng, mong muốn riêng của mình.
Trong một gia đình, mỗi thành viên sẽ tham gia bằng chính sự di truyền sinh học và sự khác biệt độc đáo của mình. Sự kết nối giữa các thành viên được hình thành dựa trên sự tương tác tạo ra sự hòa nhịp của cả hai yếu tố trên. Nếu con của bạn không lắng nghe, không muốn tiếp xúc với bạn, bạn nhận ra sự kết nối với con đang nguội lạnh dần thì có lẽ bạn cần xem lại sự tương tác về yếu tố nào đã bị lệch nhịp, lệch tông. Nếu không sửa nhanh thì thật khó mà có được sự dễ chịu khi thưởng thức “bản đồng ca” của gia đình.
Sự kết nối của Cha mẹ và con cái muốn bền chặt thì tất cả hành động, ứng xử dựa trên nguyên tắc “Yêu thương, Thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt”. Khi Cha mẹ hoặc con cái càng muốn đối phương làm đúng theo ý mình, bất chấp sự khác biệt của người kia thì sự kết nối càng bị phá hỏng. Kết quả của sự phá hỏng này đó là, hoặc là sự phản kháng hoặc là sự khuất phục xảy ra. Người có sức mạnh thì phản kháng mạnh nhất là rời bỏ môi trường sống bị ép buộc đó để tìm đến sự tự do, để được là chính mình. Nếu không có đủ sức mạnh thì cá nhân đó sẽ sống yếu đuối, phụ thuộc, khép mình, vật vờ như cái bóng, hành động như là con rối chờ người khác giật dây.
Bí mật của cha mẹ hạnh phúc đó chính là giữ được sự kết nối bền chặt trong gia đình. Họ là những người biết đến Quy luật bí mật của sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Chính là: “Mức độ tôn trọng sự khác biệt tỷ lệ thuận với mức độ kết nối”. Càng tôn trọng sự khác biệt, kết nối càng bền chặt. Càng thiếu tôn trọng sự khác biệt thì sự kết nối càng thiếu thốn.
Vậy làm thế nào để biết mức độ tôn trọng nào là vừa đủ?