Skip links
Tác hại của việc không dạy con lẽ công bằng

Tác hại của việc không dạy con lẽ công bằng

Có những đứa trẻ lớn lên đối xử thiên lệch. Nó không yêu ai cả. Nó không giúp đỡ thậm chí kiên quyết không làm nhiệm vụ được giao. Tất cả chỉ vì không muốn bị hạ thấp danh dự. Chẳng hạn như, bé Minh, con gái của bạn mình. Năm nay Minh đã 13 tuổi, nhưng Minh không giúp bố mẹ, không hỗ trợ em làm việc gì trong gia đình. Ở lớp Minh cũng hạn chế tham gia các hoạt động chung. Với Minh, Minh không cần giúp ai vì bất cứ lí đó gì. Hỏi ra, Minh nói, con không làm vì làm là bị chê. Hơn nữa con thấy bố đi làm đến khuya mới về nhưng mẹ cứ mắng bố: “Anh không chịu giúp tôi làm việc gì à. Cả ngày chỉ biết ôm máy chơi điện tử.” Rồi gặp người thân là mẹ lại nói bố không làm được gì giúp mẹ. Minh không giúp đỡ ai vì có ba lí do:

Một là, Mẹ thường xuyên chỉ trích tật xấu của bố Minh mà không biết cảm ơn những nỗ lực cố gắng của bố Minh trong gia đình. Nên con suy đoán nếu mình làm chắc cũng bị đánh giá giống vậy.

Hai là, Bố Minh thì thực sự rất ít khi làm việc nhà trước mặt Minh. Mẹ nhờ, bố không làm, mẹ mắng, bố im lặng hoặc nói vài ba câu cụt lủn không làm. Chán quá mẹ lại làm. Con không làm thì mẹ cũng vẫn làm. Nên dần dà Minh  thấy mình không làm cũng chẳng chết ai.

Ba là, Không ai trả lời thuyết phục con khi Minh đặt câu hỏi ngược: bố không làm sao con phải làm?

Bố mẹ của Minh đã không dạy cho Minh hiểu được về lẽ công bằng và bổn phận, hai nhận thức quan trọng để có được hành động đẹp, sự bình yên trong mối quan hệ giữa người với người.

Thứ nhất, Không cần phải giúp đỡ người khác vì có làm mệt mà không ra kết quả cũng không được tôn trọng. Đứa trẻ rõ ràng thấy người bố đi làm đến mệt mới về mà mẹ luôn phủ nhận sự tận tình, nỗ lực đi làm của bố. Thay vì công nhận, “anh thật nỗ lực, kiên trì trong việc đi kiếm tiền cùng em nuôi con”, cho con thấy tấm gương nỗ lực giúp đỡ gia đình, thì người mẹ lại phủ nhận “ai cần anh đi suốt ngày mà không mang tiền về nuôi con, anh suốt ngày ôm điện tử.” Sự đánh giá thiếu công bằng một cách liên tục của mẹ về bố đã khiến Minh rút ra bài học kinh nghiệm là: có nỗ lực giúp đỡ vẫn cứ bị chỉ trích, nói xấu nên ta không việc gì phải giúp.

Thứ 2, Không giao thiệp sẽ không bị hạ thấp nhân phẩm và không phải làm mệt nhọc. Tấm gương bố im lặng, không giải thích, hồi đáp cụt lủn trước những lời chỉ trích bất công của mẹ, khiến Minh hiểu rằng: Tốt nhất là tránh giao tiếp, tránh va chạm. Thế là Minh khép dần các mối liên hệ với người khác. Không nói, không làm thì người ta sẽ vẫn làm. Vô tình, Minh trở thành người không giúp đỡ người khác, thiếu đi lòng rộng lượng. Tất cả phản ứng tiêu cực đều nhằm vào mục tiêu «Bảo vệ nhân phẩm».

Thứ 3, Ngụy biện khiến người ta không cãi được do vậy chỉ cần giỏi cãi lý. Vì không ai chỉ ra cho Minh biết câu hỏi của con là ngụy biện. Cũng không có ai cắt nghĩa được cho Minh hiểu rõ về những nhiệm vụ bổn phận làm người buộc phải thực hiện. Minh cứ suy luận rằng “bố không làm nên con cũng không làm” là một suy nghĩ đúng. Sự nhận định sai về bổn phận dẫn đến thái độ làm việc qua quýt, đối phó và ngụy biện.

Bố mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Bố mẹ có trách nhiệm dạy dỗ thông qua các sự việc cụ thể để làm cho trẻ hiểu về: bổn phận, nhiệm vụ, công bằng, quyền lợi, tình yêu thương… Để trẻ hiểu mái ấm gia đình được xây dựng từ thái độ hành vi có trách nhiệm và lòng vị tha của tất cả mọi thành viên. Việc nêu gương bất công, bất đồng nhất giữa tư duy và thực hiện của bố mẹ đã khiến Minh trở thành một cô bé ích kỉ, lười biếng, nhận thức thiên lệch.

Dạy con biết đọc, biết viết đã khó, nhưng dạy con trở thành người sống có đạo đức lại càng khó hơn gấp bội. Nhưng dù khó đến mấy, bố mẹ cũng phải dạy cho con hiểu và biết về bổn phận, về lẽ công bằng. Việc tạo cơ hội cho con chủ động thực hiện bổn phận, nêu gương công bằng là sự trang bị hành trang để con sống tốt giữa mọi người. Và Bố mẹ muốn dạy con lẽ công bằng thì cha mẹ giải thích và nêu gương làm một việc thôi, đó là trao trả cho người trong gia đình những cái thuộc về họ. Chính khi đó ta đã là người công bằng rồi.

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo