Skip links
Thấy gì

Thấy gì

Nhìn vào tấm hình bạn thấy gì?

Những cái cây, những ngọn đồi, thảm cỏ… thậm chí bạn có thể thấy được sương phủ mờ mờ ?, thấy giống ở đâu đó? , thấy thiếu vắng con người ? … «Thấy gì» là một kết quả thuộc về tinh thần của con người thông qua sự liên tưởng và sự quan tâm hiện hữu tại thời điểm đó.

Con người nói lên được sự thấy của mình là nhờ có tri thức, có hiểu biết và có khả năng tưởng tượng, liên hệ, mô tả và diễn đạt cái biết của mình. Bởi vậy cái thấy là tùy thuộc của mỗi người. Giả sử như, tất cả ai ai cũng thành thật thì ngay cả cùng một nội dung xảy ra thì mỗi người cũng có nhận thức khác nhau ở từng thời điểm khác nhau.

Một cái cây, người biết tên gọi nó thì liên tưởng đến những thứ có liên quan. Người không biết thì lại săm soi cố gắng tìm ra điểm chung nào đấy với một loại mình đã biết. Sự quen thuộc hay hiểu biết giúp cho ta trở nên nhanh nhẹn trong việc gọi tên một vật.

Một món ăn, người thấy ngon thì thích nó, người thấy dở thì chê nó. Sự thích và không thích đóng vai trò tạo ra sự yêu hoặc sự ghét trong cuộc sống của con người.

Cùng là một cách hành xử của một người, người cần nó thì thấy thích, người không cần thì thờ ơ. Sự thích và sự thờ ơ tạo ra sự yêu hoặc lãnh cảm trong cuộc sống của con người. Tiếp nhận mãi một cách hành xử, thì tạo ra sự trơ ỳ cảm xúc.

Cùng là một câu chuyện, người rộng rãi thì thấy có thể thông cảm được, người phép tắc thì không thể chấp nhận được. Sự rộng mở của trái tim tạo ra sự kết nối hoặc đánh mất mối liên hệ. Nhưng tiếp nhận mãi một lời xin lỗi sự mất kết nối cũng xảy ra vì lí trí đã mách bảo rằng, trái tim đã đặt nhầm chỗ.

Một lời nói ra, người thấy đúng, người thấy sai. Sự đúng sai này tạo nên sự tin tưởng hay sự nghi ngờ của một người. Nhưng nhiều người nói chung một nhận đinh thì chưa chắc nhận định ấy là đúng. Nó chỉ nói lên rằng, những người có chung nhận định đang có sự đồng nhất về nhận thức đối với nội dung của nhận định….

Kể ra như vậy để ta hiểu rằng, sự khác biệt giữa những cái thấy ở từng cá nhân là chuyện thường tình. Nhận thức khác nhau vì mỗi người có khả năng khác nhau. Đồng thời mỗi cá thể là một sự tồn tại duy nhất, không có một bản sao. Cho nên sự «thấy gì» là khác nhau. Ta nên tôn trọng «sự thấy» đó.

Nhưng tại sao người ta hay nói «thấy thế là đúng», «thấy thế là sai» và tranh cãi với nhau về sự sai đúng đó ? Bởi vì luôn tồn tại những cái đúng chung cho toàn nhân loại. Chẳng hạn như thấy hạnh phúc này, thấy vui vẻ này, thấy đau buồn này… cứ có cái tên chung thì đó là cái thấy chung thôi.

Thấy gì
Thấy gì

Sự khác biệt giữa các cái thấy đúng hay thấy sai nằm ở giá trị của cái thấy trong đời sống của từng người.

Vậy cho nên, thấy gì không phải chỉ là cảm giác của một con người. Mà nó còn là khởi điểm cho một loạt các phán đoán, suy luận và hành động tiếp theo. Rồi sự thấy đó mang theo một cảm xúc vì nó tác động khởi động các cơ chế phản xạ có điều kiện trong não bộ con người. Thậm chí nó có thể khiến con người có cảm xúc tính người mãnh liệt như mến yêu, thương quý, ghét bỏ, căm giận, xấu hổ….

Dù mỗi cá thể có một phản ứng cảm xúc do «thấy» khác nhau nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự «thấy» giúp ta có hành động gì. Bởi vậy mà Henri Bergson, nhà triết học nổi tiếng người Pháp đã nêu lên một nguyên tắc quan trọng để sự thấy đem đến hành động đúng cho con người đó là «hành động trên phương diện một con người của lý trí, và suy nghĩ trên phương diện một con người của hành động».

Nếu chỉ thấy mà không đưa ra hành động. Sự thấy sẽ chìm vào lãng quên. Nếu thấy đưa đến suy nghĩ mang tính hành động và hành động mang tính có lý trí thì sự thấy đó mới thực sự có giá trị đối với một con người. Như vậy, giây phút ta thấy, giây phút não bộ xử lý thông tin mới hữu ích và giây phút cuộc đời vừa qua mới là hữu ích.

Muốn tâm hồn bình yên sau mỗi sự thấy, con người cần dùng đủ cả trí tuệ, lương tâm, trách nhiệm, ý thức, tình cảm và sự tự do hướng đến thiện lành của chính mình để đưa ra hành động đúng cần thiết ngay sau khi nhận ra sự «thấy».

Để lại nhận xét

Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp trải nghiệm web tốt nhất có thể.
Khám phá
Kéo