Đây là một trong những lời dạy nổi tiếng của Khổng Tử về những việc con người phải biết mà làm trong cuộc đời của mình. Tứ thập nói về tuổi 40. Ở tuổi này, con người nhất định phải biết rõ đúng sai ở đời. Nhưng, không phải chờ đến tuổi 40 thì hùng hổ tuyên bố, vỗ ngực với thiên hạ mà nói rằng ta 40 tuổi rồi nên ta đây thấu rõ sự đời đúng sai. Thực tế, hành trình đi đến “tứ thập nhi bất hoặc” con người phải trải qua các mốc trước đó.
Ở tuổi mười lăm thì phải chí thú học (thập hữu ngũ nhi chí vu học). Học điều giúp ta trưởng thành là người, là người hữu ích, học để mà làm người chứ đừng nghĩ chỉ cần kiến thức sách vở hay một vài kỹ năng để kiếm sống. Học để biết phân biệt cái nào sai, cái nào đúng. Học cái nào tốt lành, cái nào xấu xa. Học nào đâu ít. Mười lăm năm chí thú học điều hay lẽ phải, học làm người, làm người có trình độ hiểu biết về lẽ phải sống trong cuộc đời này, lẽ hay, lẽ dở, lẽ thiện, lẽ ác, biết cách sống cho ra con người. Tất cả để làm gì? Để ta có đủ kiến thức và tình yêu mà tự do lựa chọn lấy điều ta yêu, điều ta muốn đi theo đến cùng. Hiểu rõ được điều đó hay thế nào, có giá trị gì mà hấp dẫn ta đi theo đến trọn cuộc đời.
Rồi ở tuổi ba mươi thì phải lập thân, lập nghiệp độc lập. Đây là thời gian ta dùng cái biết đúng sai, tốt xấu của mình mà dấn thân trải nghiệm điều ta muốn. Hành trình “nhi lập” ở những năm tháng tuổi 30 là hành trình tích lũy kinh nghiệm sống cho mình và sống cho đời. Mười năm liên tục thực hành điều mình chọn là lẽ sống phải theo mới lập nên cơ sở cuộc sống. Cơ sở đó có thể là tạo dựng được về vật chất, cũng có thể là trí tuệ, hiểu biết về cuộc đời, về con người… nhưng dù thế nào cũng phải tam thập nhi lập một cách tập trung và mạnh mẽ.Thì đến tuổi 40 mới có thể khẳng định được bản thân không còn nghi hoặc về điều mình đang làm, về cuộc sống của chính mình.
Như vậy, để đi đến một sự chắc chắn ở tuổi 40, cần một quãng thời gian dài 25 năm học và hành. Trí tuệ vun bồi cho đúng, dùng trí tuệ được vun bồi đó để mà hành động, chứ không phải là hành động bản năng, tùy tiện. Có như vậy, con đường làm người ở tuổi 40 mới có những trải nghiệm không còn ngờ vực những nhân tố cuộc đời. 10 năm trải nghiệm đời người ở những năm tháng tuổi 40 mới làm cho con người ta “tri thiên mệnh” ở tuổi 50, tiếp sau đó là “nhi nhĩ thuận” ở tuổi 60 và “nhi tùng tâm sở dục bất du củ” ở tuổi 70.
Cuộc đời là một hành trình trở thành. Mỗi lứa tuổi 15, 30, 40, 50, 60, và 70 thể hiện kết quả của phát triển của trí tuệ, tâm hồn và ý thức của con người. Kết quả ấy ra sao phải nhờ vào tri thức nền tảng mà người đó được giáo dục về đời và người. Mặt khác cũng nhờ vào khả năng năng thuần thục kỹ năng tự tư duy đúng đắn, khoa học. Nếu không được giáo dục đúng cách và nếu không biết tự tu tâm dưỡng tánh, tự trau dồi kiến thức, văn hóa sống cho hoàn hảo, và tự rút tỉa kinh nghiệm trường đời thì con người giống như “ông bình vôi,” càng sống lâu càng ngu và càng làm hại dân hại nước dù rằng có bằng cấp cao đến thế nào đi nữa.
Có tuổi là một việc, nếu không được giáo dục đúng cách và không tự trau dồi kiến-văn cùng kinh nghiệm sống thì dù tới 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, hay 70 tuổi đi nữa, người ta cũng không có sức tự lập, không hiểu hết sự lý, không biết được mệnh trời, không thông suốt mọi lẽ, và không thể làm chủ được hành động và tư tưởng của mình. Bởi vậy mà nếu đã tới 30 tuổi mà không tự lập được vững vàng, ta sẽ gặp nhiều gian truân chứ đừng nói chi đến việc có thể giúp mình và giúp đời một cách có hiệu quả được. Tuổi 30 mà không tự lập được vững vàng thì cũng đừng nói chi đến 40 tuổi vỗ ngực tự xưng “nhi bất hoặc”.