Ta thường hiểu Học là một hành động của con người nhằm thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại. Học có thể diễn ra tại cơ sở chuyên nghiệp, cũng có thể diễn ra từ những sự kiện được con người nhận biết.
Đằng sau của sự học liệu có phải chỉ là thu nhặt lấy kiến thức, kỹ năng của người khác và biến nó thành của mình ? Không đơn giản như vậy.
Học là một khả năng bắt chước cao cấp của con người. Hơn nữa, Được Học còn là một trong những nhân quyền được quốc tế ghi nhận. Do vậy, đối với sự học thì những gì ẩn sâu phía sau đóng vai trò quan trọng khiến cho con người sẽ trở thành ai và việc sống có ý nghĩa gì. Nếu đi tìm lẽ sống mà không hiểu ý nghĩa của việc học thì giống như tìm cách mở cửa mà chẳng có hiểu biết gì về khóa cửa.
Mặt khác, trong hành trình học, chính những Lý do đằng sau sự học có vai trò quyết định độ dài của hành trình. Nếu những lý do đằng sau sự học mà làm cho sự sống trở nên có nhiều giá trị thì người ta có thể chú tâm học, liên tục duy trì sự học, làm theo cái đã nhận thức được, hiểu được giá trị của điều mình làm và càng đam mê lan tỏa sự học . Nhưng ngược lại, nếu chúng sai thì chúng chính là lực cản trở việc theo đuổi sự học trong cuộc đời của một con người.
Thực tế, không ai muốn bản thân trở thành một công cụ có hình người phục tùng câu lệnh nào đó cho dù đó là câu lệnh “vì tốt cho họ”. Nếu ai đó học vì tuân theo lệnh “phải học” từ một ai đó và quá trình học khiến cho họ cảm thấy mình giống như một cỗ máy đi học thì không bao giờ người đó cảm nhận được sự thoải mái, tự do và hứng thú trong việc học. Họ sẽ nhanh chóng kết thúc việc học ngay khi có thể, bởi học chỉ để đối phó, chỉ để hoàn thành nghĩa vụ học.
Nhưng ngay cả khi những lý do học là tự mình nghĩ ra, chẳng ai ép uổng, thậm chí việc học đem lại cho bản thân một sự “bừng tỉnh” nào đó thì con người vẫn có thể không có ham muốn học tiếp. Cụ thể thường gặp nhất là ở những người rơi vào tình thế “bừng tỉnh” để hăm hở tiến vào giai đoạn “trở thành cỗ máy” đạt năng suất tối đa. Những SỰ HỌC này chỉ khiến con người trở nên chán chường việc học, vô vọng trong cuộc sống, cảm thấy sự sống chẳng mấy có giá trị.
Vậy bằng cách nào để ta trở nên hạnh phúc khi thực hiện việc học, có được đam mê học và yêu thích đối với sự học ? Còn gì hơn là quay trở lại để hiểu cho đúng lý do ban đầu của SỰ HỌC. Lý do ban đầu và tận cùng của sự học nơi con người không phải là kiến thức, kỹ năng của ai đó mà là để tìm ra chân lý sống một đời tử tế và đẹp đẽ. Biết chân lý để làm cho tốt. Biết chân lý, biết làm tốt thì làm cho tử tế. Biết làm cho tử tế thì hãy hoàn thiện cho đẹp đẽ. Đừng nên chỉ hiểu ở khái niệm đẹp ở khía cạnh thẩm mỹ một cách cơ học. Có như vậy ta mới luôn là hạnh phúc.
Một vài suy nghĩ về ý nghĩa của sự học nhân dịp có người hỏi xem mình nghĩ thế nào khi một người cho rằng học như vậy là đã đủ.
Tinqueux ngày 20 tháng 5 năm 2024.